Tại Diễn đàn công nghiệp hỗ trợ năm 2019 với chủ đề: “Doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị ô tô toàn cầu” mới đây, đại diện Công ty Ôtô Toyota Việt Nam đề xuất định hướng chính sách để phát triển ngành công nghiệp ô tô.
Theo đó, các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ sớm ban hành các chính sách nhằm duy trì và thúc đẩy thị trường ôtô tăng trưởng ổn định, dài hạn. Các doanh nghiệp mong muốn các chính sách về ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt nên bình đẳng về cơ hội được hưởng ưu đãi cho tất cả các nhà sản xuất xe; không tạo ra mức biến động lớn trên thị trường.
Chung quan điểm, Thaco cũng kiến nghị các giải pháp phát triển ngành công nghiệp ôtô. Theo đó, Thaco kiến nghị, Chính phủ nên xem xét bỏ tiêu chuẩn để được áp dụng chính sách miễn thuế nhập khẩu linh kiện ôtô sản xuất trong nước. Vì khi thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc bằng 0% từ năm 2018, nếu vẫn áp dụng chính sách thuế đối với linh kiện thì sẽ khó giảm giá thành xe sản xuất trong nước.
Mặt khác, Thaco cũng đề nghị Chính phủ sớm xem xét giảm thuế nguyên liệu để sản xuất linh kiện, vật tư ôtô về 0%. Khi giảm thuế nguyên liệu, vật tư để sản xuất ra linh kiện thì chắc chắn giá thành sẽ giảm và kéo giá xe sản xuất trong nước giảm. Cuối cùng là người tiêu dùng sẽ được lợi.
Thực tế, Bộ Công Thương cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp ô tô, CNHT. Đặc biệt, sau khi triển khai Nghị định 111 về phát triển CNHT, Bộ đã cấp 39 giấy xác nhận ưu đãi thuế, tín dụng, tiền thuê đất cho các doanh nghiệp thuộc các ngành dệt may, điện tử, ôtô, công nghệ cao và cơ khí.
Để tạo đà phát triển ngành công nghiệp ô tô, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, điều kiện tiên quyết là phải có ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước phát triển, mở ra cơ hội thị trường cho các doanh nghiệp CNHT trở thành nhà cung cấp, tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp sản phẩm cuối cùng. Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam cần phải gắn mình vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu các chính sách khuyến khích doanh nghiệp lớn đầu tư vào công nghiệp ôtô, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Thúc đẩy thị trường ôtô tăng trưởng ổn định và dài hạn trên cơ sở cho vay ưu đãi với người tiêu dùng mua ôtô, quy hoạch hạ tầng đồng bộ.
Thứ trưởng giao nhiệm vụ cho Cục Công nghiệp cùng các đơn vị thuộc Bộ Công Thương nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp để tham mưu cho lãnh đạo Bộ phối hợp với các Bộ ngành nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước đối với CNHT trong thời gian tới. Đặc biệt, cần đề xuất những chính sách, giải pháp quyết liệt, đủ mạnh để tiếp tục duy trì và từng bước phát triển ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước cũng như CNHT ngành ô tô trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, phù hợp với thực trạng phát triển, lợi thế cạnh tranh của đất nước cũng như phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Thứ trưởng mong muốn các hiệp hội, ngành hàng phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò là cầu nối liên kết các doanh nghiệp CNHT, đóng góp nhiều tiếng nói hơn trong quá trình xây dựng, hoàn thiện chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước trong ngành tiếp tục đồng hành với Bộ Công Thương, với Chính phủ, đóng góp các nguồn lực của mình để thúc đẩy phát triển ngành.