Các doanh nghiệp trong nước đang cố gắng tăng tỷ lệ nội địa hoá ô tô để thực hiện kế hoạch xuất khẩu ra ngoài thị trường Việt Nam, hưởng ưu đãi thuế xuất/nhập khẩu 0%.
THACO vừa xuất khẩu lô 40 chiếc Kia Sedona sang Thái Lan vào ngày 23/2/2020. Trước đó, vào tháng 12/2019 doanh nghiệp này đã đưa 120 chiếc Kia Cerato sang Myanmar. Đến đầu tháng 1/2020, THACO tiếp tục xuất khẩu thêm xe buýt mang thương hiệu Việt tới thị trường Philippines.
Đây là doanh nghiệp tiên phong tại Việt Nam xuất khẩu ô tô ra nước ngoài. THACO đang nắm quyền phân phối xe thuộc 2 thương hiệu lớn là Kia và Mazda. Xe Kia đã được xuất khẩu và sắp tới nhiều khả năng xe Mazda lắp ráp trong nước cũng được đưa ra ngoài thị trường Việt Nam.
Điều này nằm trong kế hoạch của THACO khi xây dựng các nhà máy lớn tại khu công nghiệp Chu Lai, tỉnh Quảng Nam. Hiện tại, nhà máy Kia có tổng diện tích 20 ha, công suất 50.000 xe/năm, bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 9/2019. Với nhà máy này, THACO có kế hoạch lắp ráp các mẫu Kia Cerato và Sedona để xuất khẩu sang Thái Lan, Myanmar, mở rộng sang cả Malaysia, Philippines và Campuchia.
Trong khi đó, nhà máy Mazda có tổng diện tích 30,3 ha, công suất 100.000 xe/năm, hoạt động từ tháng 3/2018, được mệnh danh là nhà máy lớn nhất Đông Nam Á của thương hiệu Nhật Bản. THACO chưa công bố cụ thể kế hoạch xuất khẩu xe Mazda nhưng ông Trần Bá Dương, Chủ tịch THACO, đã bày tỏ tham vọng đưa những dòng xe này ra ngoài Việt Nam trên cơ sở Mazda chưa có nhà máy chính thức quy mô lớn nào trong khu vực.
“Ông lớn” thứ 2 là TC Motor (trước là Hyundai Thành Công) cũng là doanh nghiệp có nhiều tiềm năng và tham vọng xuất khẩu ô tô trong ASEAN. Từ một doanh nghiệp nhập khẩu ô tô nguyên chiếc, TC Motor đã chuyển dịch dần sang lắp ráp gần như tất cả mẫu xe Hyundai đáng bán tại Việt Nam. Nhà máy tại Ninh Bình hiện có diện tích hơn 100 ha, công suất 70.000 xe/năm. Nhà máy tiếp theo sẽ được xây dựng tại Quảng Ninh trên diện tích khoảng gần 150 ha trong kế hoạch sản xuất ô tô thân thiện môi trường.
Tuy nhiên, một bất lợi cho TC Motor trong việc xuất khẩu xe Hyundai ra nước ngoài là Hyundai không chọn Việt Nam mà là Indonesia để làm nơi đặt nhà máy sản xuất xe đầu tiên. Trước đó, vào đầu năm 2018, tập đoàn mẹ từng cân nhắc việc xây dựng nhà máy tại Indonesia hoặc Việt Nam để cung cấp xe trong khu vực. Theo Hyundai, các nhà máy hiện tại trong ASEAN chỉ là dạng liên doanh và lắp ráp, chưa phải nhà máy sản xuất.
Cái tên tiếp theo phải kể tới VinFast. Không chỉ gói gọn xuất khẩu trong khu vực ASEAN như THACO và TC Motor, hãng xe Việt còn có kế hoạch xuất khẩu xe sang cả châu Âu và Mỹ. Vào tháng 8/2019, ông Võ Quang Huệ, Phó Tổng Giám đốc Vingroup, phụ trách VinFast, từng chia sẻ về dự định xuất khẩu xe sang Nga và Myanmar. Sau đó, đến tháng 12/2019, Chủ tịch Vingroup, ông Phạm Nhật Vượng, cho biết dự định xuất khẩu ô tô điện sang cả Mỹ.
VinFast đã và đang thực hiện nhiều bước đi để khẳng định quyết tâm đó. Ba mẫu xe đầu tiên là Fadil, Lux A2.0 và Lux SA2.0 được kiểm tra an toàn tại 14 quốc gia, trong đó quan trọng nhất là đạt tiêu chuẩn 5 sao ASEAN NCAP và đạt tiêu chuẩn châu Âu tại một trung tâm thử nghiệm xe cao cấp tại Đức. Một vài chiếc VinFast Lux đã được bắt gặp chạy thử trên đường phố châu Âu. Ông Vượng cũng mạnh tay bỏ 2 tỷ USD tiền túi để phát triển ô tô điện VinFast nhằm tiếp cận thị trường Mỹ.
Ngoài ra, Mitsubishi cũng là doanh nghiệp có tham vọng lắp ráp ô tô tại Việt Nam hướng tới xuất khẩu trong ASEAN. Đó là tuyên bố của ông Kenichi Horinouchi, Tổng Giám đốc Mitsubishi Motors Việt Nam, trong buổi lễ ra mắt mẫu xe Outlander vào tháng 8/2016.
Trong kế hoạch nội địa hoá xe, mẫu Outlander đã được lắp ráp trong nước từ năm 2018. Trong thời gian tới, ngoài Outlander, Mitsubishi còn lắp thêm mẫu Xpander. Thị phần của Mitsubishi trong VAMA tăng từ 3,7% trong năm 2018 lên 10% trong năm 2019 với sự góp sức chính từ Xpander.
Hãng xe Nhật có tới 2 nhà máy tại Việt Nam, trong đó nhà máy thứ 2 đặt tại Nghệ An có công suất dự kiến 30.000-50.000 xe/năm, cao hơn nhiều so với nhà máy tại Bình Dương (6.000 xe/năm).
Ưu đãi thuế xuất/nhập khẩu 0% theo Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU cũng như trong ASEAN đang khuyến khích doanh nghiệp Việt đầu tư lắp ráp ô tô, tăng tỷ lệ nội địa hoá từ 40% trở lên. Những chiếc xe không chỉ đơn thuần được lắp ráp với linh kiện, phụ tùng nhập khẩu mà còn được sản xuất ngay trong nước. Đây là cơ hội lớn để ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vươn ra thế giới.