Truyền thông - Tin tức

Việt Nam đủ năng lực để làm công nghiệp ôtô

Chúng ta có nhiều yếu tố để phát triển, có chăng tư duy “sính ngoại” của người Việt khiến nền công nghiệp ôtô gặp khó.

Với quan điểm bài viết “Chi phí làm ôtô lắp ráp tốn hơn nhiều xe nhập khẩu” tôi muốn đưa ra các dẫn chứng biện luận như sau:

Thứ nhất, tác giả chỉ đang định nghĩa thế nào là CKD hay CBU chứ chưa có phân tích nào rõ ràng để đưa đến kết luận không nên phát triển ngành công nghiệp ôtô tại Việt Nam.

Thứ hai, thuật ngữ CKD, SKD, FBU hay CBU là áp dụng cho các dòng xe lắp ráp trong nước hay nhập khẩu nguyên chiếc chứ nó không có nghĩa là phải làm bằng nhân công hay dây chuyền như bạn lầm tưởng.

Thứ ba, tại Việt Nam có nhiều doanh nghiệp đang làm theo hình thức nhập khẩu một phần và theo lộ trình thì các doanh nghiệp sẽ hướng tới sản xuất và lắp ráp toàn bộ trong nước. Điển hình là Thaco và VinFast, họ đang sản xuất và xuất khẩu ra nước ngoài, tỷ lệ linh kiện nhập khẩu đang giảm dần về 0%.

Thứ tư, hàng nhập khẩu nguyên chiếc không có nghĩa một doanh nghiệp nào đó ở nước ngoài sản xuất và lắp ráp toàn bộ tại cùng một nơi. Tôi lấy ví dụ, chiếc điện thoại iPhone, họ chỉ thiết kế và đặt hàng sản xuất chip từ một doanh nghiệp khác, màn hình họ cũng mua từ Samsung, vì vậy để sản xuất ra một chiếc điện thoại họ cũng phải nhập khẩu nhưng nó cũng được gọi là CBU khi nhập về Việt Nam.

Có thể thấy Việt Nam chúng ta có đủ năng lực để làm và đang đi đúng hướng, tại sao bạn lại nghĩ không nên. Có chăng chúng ta hãy bỏ dần lối suy nghĩ hướng ngoại để ủng hộ hàng mang thương hiệu Việt để các doanh nghiệp vững niềm tin đứng lên cạnh tranh sòng phẳng với doanh nghiệp nước ngoài.

Độc giả Long Nguyen Phi