Communication - News

Chính sách phát triển oto Việt nhìn từ thế giới chính phủ phải là” Bà đỡ”

Nhiều nước trong khu vực như Malaysia, Thái Lan đã thành công trong việc xây dựng ngành công nghiệp ôtô nội địa. Chuyên gia cho rằng Việt Nam cũng cần có những chính sách tốt đóng vai trò “bà đỡ” cho các doanh nghiệp nội.

“Người đỡ đầu ngành công nghiệp ôtô” là từ mà báo chí Malaysia hay nói về vị thủ tướng của mình, ông Mahathir Mohamad. Vị thủ tướng này được biết đến với tên gọi Tiến sĩ M, người đã đưa ra ý tưởng xây dựng thương hiệu ôtô nội địa Malaysia với tên gọi Proton, và sau đó đã rất thành công.

Dự án xe Proton đã đưa Malaysia từ một nước nông nghiệp trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhất Đông Nam Á. Đây cũng là quốc gia duy nhất tại khu vực ASEAN có các thương hiệu ôtô nội địa cạnh tranh sòng phẳng với những hãng xe toàn cầu.

Bởi vậy, mỗi khi nhắc đến việc phát triển một thương hiệu xe hơi nội địa, người ta hay nói đến Mahathir Mohamad hay Tiến sĩ M. Ông từng nổi tiếng với câu nói: “Đây không chỉ là về chiếc xe, mà còn là những công nghệ kỹ thuật mà chiếc xe có thể đem đến, cũng như khả năng thúc đẩy sự phát triển các lĩnh vực kinh tế khác”.

Phát triển ngành công nghiệp xe hơi Việt Nam, xây dựng thương hiệu ôtô Việt có thể cạnh tranh với thế giới cũng chính là điều mà VinFast đang hướng tới. Câu chuyện Malaysia chắp cánh cho thương hiệu xe Proton là một trong rất nhiều bài học mà VinFast có thể tham khảo để tạo ra một thương hiệu ôtô tầm quốc gia, thúc đẩy công nghiệp trong nước. Đây cũng là kỳ vọng mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi gắm trong lễ khánh thành nhà máy VinFast.

Vingroup anh 3

Nhiều người còn nhớ hình ảnh Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 8: Ông lái thử xe VinFast và khen ngợi chất lượng bằng cách giơ ngón tay cái. Hình ảnh này sau đó đã lan truyền khắp Đông Nam Á. VinFast khiến nhiều người liên tưởng đến Proton, thương hiệu đã gắn liền với sự nghiệp của ông.

Ít người biết rằng Malaysia không chỉ có một mà là 2 thương hiệu ôtô nội địa, có thể cạnh tranh sòng phẳng với các hãng khác trên thế giới. Hiện 50% số xe bán ra tại Malaysia là xe nội địa. Điều này có được nhờ nỗ lực không nhỏ của Chính phủ Malaysia từ những năm 1980.

Vingroup anh 4

Công nghiệp xe hơi Malaysia bắt đầu vào những năm 1960. Ban đầu, chính phủ khuyến khích các nhà máy lắp ráp liên doanh với nhà sản xuất châu Âu. Mặc dù có chính sách phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp ôtô tại Malaysia không thành công cho đến những năm 1980, chủ yếu vẫn dựa vào xe nhập khẩu từ châu Âu và Nhật Bản.

Năm 1983, dự án Ôtô Quốc gia (Proton) được thành lập với tham vọng xây dựng một hãng xe nội địa. Để hiện thực hóa giấc mơ này, Chính phủ Malaysia đã tung ra hàng hoạt chính sách mang tính chất giống “bà đỡ” để tạo dựng thương hiệu nội địa.

Theo đó, từ khi bắt đầu sản xuất, Proton được áp dụng chính sách thuế ưu đãi do chính phủ đưa ra nhằm áp đảo các đối thủ, nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần. Chẳng hạn, Proton chỉ phải trả 13% thuế nhập khẩu linh kiện, chủ yếu là động cơ và bộ truyền động từ Nhật Bản, trong khi các công ty nước ngoài tại Malaysia phải trả 42%.

Chính phủ Malaysia kiểm soát phần lớn nhà máy lắp ráp Proton, chỉ cho phép 17% thuộc sở hữu của Mitsubishi Group (Nhật Bản). Chính phủ nắm giữ 42,7% cổ phần của Proton và được bảo hộ về mặt tài chính. Sự bảo vệ của chính phủ và hàng rào thuế quan được coi chính là công cụ bảo vệ nền công nghiệp ôtô của Malaysia.

Vingroup anh 5

Do được miễn thuế nhập khẩu linh kiện CKD, Proton bán rẻ hơn 20-30% so với những chiếc xe tương tự được sản xuất bởi các nhà lắp ráp khác trong nước. Vào những năm 1990, Proton trở thành chiếc xe chiếm ưu thế tuyệt đối ở Malaysia.

Hãng xe nội địa Malaysia nhanh chóng tăng trưởng và chiếm thị phần lớn. Năm 1994, mẫu sedan Saga của Proton chiếm tới 74% doanh số bán xe tại Malaysia.

Song song với đó, Chính phủ nước này cũng nhanh chóng mở rộng mạng lưới đường sá và cao tốc, giúp việc đi lại bằng ôtô trở nên dễ dàng hơn. Đây cũng là một phần lý do khiến nhiều người Malaysia có nhu cầu mua xe.

Thành công của Proton được đánh giá như một niềm tự hào của người Malaysia. Nhiều chuyên gia cho rằng việc chính phủ bảo hộ, miễn thuế, có cơ chế ưu đãi cho Proton giống như “thả con săn sắt, bắt con cá rô”. Chính phủ có thể giảm nguồn thu thuế trực tiếp, nhưng gián tiếp làm phát triển công nghiệp, đặc biệt là hơn 1.000 nhà cung cấp cho Proton, đáp ứng nhu cầu của hàng chục triệu người dân.

Vingroup anh 7

Vingroup anh 8

Thái Lan được mệnh danh là “Detroit của phương Đông” khi ngày càng đóng vai trò cái nôi của ngành công nghiệp xe hơi khu vực, xuất khẩu đi toàn thế giới. Nhiều người cho rằng đất nước này còn có tiềm năng để trở thành một trung tâm phát triển phần mềm ôtô ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Quốc gia này đã có nhiều năm phát triển ngành công nghiệp ôtô nội địa với cả 2 hướng. Một là thu hút các thương hiệu ôtô lớn trên thế giới đến mở nhà máy sản xuất, xây dựng chuỗi cung ứng linh kiện, phụ tùng ôtô. Hướng thứ hai là xây dựng thương hiệu ôtô nội địa của Thái Lan. Cả hai hướng này đều thành công với việc nhiều người dân Thái Lan có thể mua ôtô nội địa giá rẻ. Quốc gia này cũng xuất khẩu nhiều xe đi khắp thế giới.

Để làm được điều này, Chính phủ Thái Lan đã sử dụng nhiều biện pháp nhằm thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp ôtô như giảm thuế nhập khẩu các bộ phận linh kiện ôtô.

Vingroup anh 9

Doanh nghiệp có thể dễ dàng nhập linh kiện, lắp ráp tại Thái Lan với giá thành rẻ, thuận lợi. Mặt khác, Chính phủ Thái Lan cũng hạ mức thuế cho các nhà máy sản xuất từ đất nước này, giúp tăng giá trị cạnh tranh.

Các hoạt động nghiên cứu và phát triển, xây dựng đường sá, cơ sở hạ tầng… cũng được chính phủ nước này chú ý. Theo đó, các nhà sản xuất có thể đặt trụ sở nghiên cứu chế tạo ngay tại Thái Lan. Đường sá được mở mang cũng khiến người Thái ngày càng mong muốn sở hữu ôtô.

Như vậy, hình thành từ thập niên 1960, ngành công nghiệp ôtô Thái Lan đã phát triển nhanh chóng và đến nay đã trở nhà sản xuất đứng đầu ASEAN với gần 2 triệu xe mỗi năm. Trong số này, người Thái đã tự sản xuất được khoảng 800.000 xe để tiêu thụ trong nước. Mỗi năm cũng có 1,2 triệu xe được xuất khẩu sang châu Âu, châu Mỹ và châu Á.

Ngành công nghiệp ôtô phát triển cũng tạo sức lan tỏa sang các ngành khác tại xứ chùa vàng. Theo thống kê, công nghiệp ôtô Thái Lan hiện chiếm 12% tổng GDP (28,24 tỷ USD) và thu hút khoảng 550.000 lao động. Đặc biệt, xuất khẩu linh kiện phụ tùng xe hơi của Thái Lan năm 2013 đạt 5 tỷ USD, đứng đầu Đông Nam Á.

Vingroup anh 10

Lý giải sự thành công trong việc phát triển ôtô nội địa của Thái Lan, Malaysia và nhiều nước khác, các chuyên gia cho rằng điểm cốt yếu nằm ở chính sách. Do vậy, để xây dựng thương hiệu ôtô nội địa của Việt Nam, việc đầu tiên là cần có một chính sách tốt, mang tính chất “bà đỡ”. Từ đó, ngành này sẽ phát triển lan tỏa đến các ngành khác trong nền kinh tế.

Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng nguyên nhân chính mà ngành công nghiệp ôtô Việt Nam chưa phát triển được là chính sách. Bà nhấn mạnh để phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam, cần hoàn thiện một số cơ chế chính sách khuyến khích nội địa, rào cản nhập khẩu.

Cụ thể, bà Hải Bình đề xuất thời gian tới phải tập trung nghiên cứu ban hành chính sách khuyến khích các tập đoàn kinh tế lớn đầu tư vào lĩnh vực ôtô, khuyến khích những dòng xe thân thiện với môi trường, đáp ứng nhu cầu lớn.

Vingroup anh 12

Ngoài ra, chính sách thuế phải điều chỉnh, không những ưu đãi với nhà đầu tư mà cả cho người tiêu dùng. Bà Bình cũng đề xuất sửa biểu thuế tiêu thụ đặc biệt theo hướng miễn thuế tiêu thụ đặc biệt với xe và linh kiện sản xuất trong nước.

Ngoài chính sách thuế, cần chính sách tài chính khác liên quan đến đất đai, tín dụng để triển khai các cụm công nghệ ôtô theo chuỗi giá trị. Từ đó, các doanh nghiệp sẽ dễ dàng phát triển thành chuỗi cung ứng, tạo sức lan tỏa cho cả nền kinh tế.

Bà Bình nhấn mạnh thời gian tới Bộ Tài chính cần rà soát lại một số Luật và Nghị định liên quan đến thuế tiêu thụ đặc biệt, làm sao khả năng tiếp cận chính sách hiệu quả nhất và có tác dụng.

Thực tế hiện nay, có 3 loại thuế tác động lớn đến giá bán ôtô sản xuất trong nước là thuế nhập khẩu linh kiện, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế VAT. Hiện thuế nhập khẩu cho các linh kiện phục vụ sản xuất, lắp ráp ôtô ở mức 5-20% tùy thuộc vào bộ linh kiện. Thuế tiêu thụ đặc biệt cũng áp dụng từ 35 đến 150% tùy thuộc dung tích động cơ, bên cạnh 10% VAT. Các chi phí cho mạng lưới đại lý, kênh phân phối dao động 10-20% cũng sẽ được tính vào giá xe.

Đồng tình, một chuyên gia đến từ Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cho rằng điều cần nhất là chính phủ tập trung tháo gỡ khó khăn về chính sách thuế cho doanh nghiệp; xem xét sửa đổi, bổ sung các luật về thuế như thuế VAT, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và thuế thu nhập doanh nghiệp…

Tiến sĩ Trương Thị Chí Bình – Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), đề xuất có công cụ tài chính hỗ trợ đến các doanh nghiệp sản xuất xe trong nước. Theo đó, cần có chương trình bảo lãnh tín dụng theo chuỗi từ chính phủ, công ty đầu chuỗi, ngân hàng, doanh nghiệp. Vị này cho rằng với sự vào cuộc của chính phủ, sự hỗ trợ kết nối về vốn, công nghệ, thị phần sẽ thúc đẩy doanh nghiệp ôtô phát triển bền vững.

Theo các chuyên gia, việc gần đây công ty VinFast – nhà sản xuất ôtô nội địa trên thị trường phải công bố cơ cấu giá thành để chứng minh mức lỗ hàng trăm triệu đồng trên mỗi chiếc xe bán ra cho thấy đã đến lúc chính phủ cần nhanh chóng đưa ra những điều chỉnh phù hợp về mặt chính sách để thực sự trở thành bà đỡ cho doanh nghiệp.

“Nếu để doanh nghiệp đi tiên phong gặp khó khăn đến mức phải rút ra khỏi thị trường thì sẽ làm hỏng nỗ lực đưa đất nước thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại”, tiến sĩ Trương Văn Phước – nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, nhận định.

Vingroup anh 16