Communication - News

Quy hoạch phát triển công nghiệp ô tô đến năm 2020, tầm nhìn 2030

Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trở thành ngành công nghiệp quan trọng, đáp ứng tối đa nhu cầu thị trường nội địa về các loại xe tải, xe khách thông dụng và một số loại xe chuyên dùng

 

Tiếp theo Quyết định số 1168/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, ngày 24 tháng 7 năm 2014, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ký Quyết định số 1211/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quy hoạch).

Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch nhằm phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trở thành ngành công nghiệp quan trọng của đất nước, đáp ứng tối đa nhu cầu thị trường nội địa về các loại xe tải, xe khách thông dụng và một số loại xe chuyên dùng; phấn đấu trở thành nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng và một số cụm chi tiết có giá trị cao trong chuỗi sản xuất công nghiệp ô tô thế giới, góp phần vào tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp khác.

Một số mục tiêu cụ thể:

– Dự kiến tỷ trọng số lượng xe sản xuất lắp ráp trong nước so với tổng nhu cầu nội địa (%): 18% xe chuyên dùng, 78% xe tải, 92% ô tô từ 10 chỗ trở lên (đến năm 2025). Năm 2030, tỷ lệ này lần lượt là 20%, 80% và 92%.

– Sản lượng xe sản xuất trong nước của xe ô tô dưới 9 chỗ, từ 10 chỗ trở lên, xe tải, xe chuyên dùng là 237.900 chiếc, 29.102 chiếc, 197.017 chiếc và 2.356 chiếc (đến năm 2020).

– Giai đoạn đến năm 2020, cơ bản hình thành ngành công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất ô tô. Phấn đấu đáp ứng 30 – 40% (về giá trị) nhu cầu linh kiện, phụ tùng của sản xuất, lắp ráp xe ô tô trong nước, chế tạo được một số chi tiết quan trọng trong bộ phận truyền động, hộp số, động cơ (nhất là cho xe khách và xe tải nhẹ), từng bước tham gia hệ thống cung ứng các linh kiện, phụ tùng trong chuỗi giá trị toàn cầu của công nghiệp ô tô thế giới.

– Giai đoạn 2026 – 2030, công nghiệp hỗ trợ phát triển cả về quy mô sản lượng và chủng loại sản phẩm, đảm bảo cung ứng trên 50% (về giá trị) nhu cầu về linh kiện, phụ tùng phục vụ sản xuất lắp ráp ô tô trong nước, phấn đấu trở thành nơi cung cấp quan trọng một số loại linh kiện, phụ tùng cho ngành công nghiệp ô tô khu vực và thế giới.

Một số giải pháp và cơ chế chính sách:

– áp dụng thuế suất nhập khẩu ở mức trần các cam kết thuế quan mà Việt Nam đã tham gia đối với các loại phụ tùng, linh kiện cần khuyến khích đầu tư sản xuất và các loại phụ tùng, linh kiện sản xuất trong nước đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và số lượng;

– khuyến khích doanh nghiệp trong nước tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu trong sản xuất, xuất khẩu linh kiện, phụ tùng và xe nguyên chiếc: được hưởng các chế độ ưu đãi của Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia, hưởng ưu đãi hiện hành theo Chương trình Cơ khí trọng điểm.

– các doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô được hưởng ưu đãi theo Đề án “Trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ” của Chính phủ.

– Dự án sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô được vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước với lãi suất thấp nhất theo từng thời kỳ.

– thực hiện nhất quán hệ thống chính sách đã và sẽ ban hành trong thời gian tối thiểu 10 năm, phù hợp với xu thế hội nhập để tạo sự tin tưởng đối với các nhà đầu tư, nhà sản xuất, tăng thu hút hoạt động đầu tư nhằm đạt mục tiêu phát triển công nghiệp ô tô.

– ban hành phí môi trường cao đối với xe có dung tích động cơ trên 3.0 lít.

– xe tải nhẹ sức chở đến 3 tấn và xe nông dụng nhỏ đa chức năng vào danh mục máy, thiết bị được hưởng hỗ trợ theo chủ trương của Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp (quy định bổ sung).

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 177/2004/QĐ-TTg ngày 05 tháng 10 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 (Nguyễn Bích Thủy).